Nông dân Sóc Trăng đặt nhiều kỳ vọng vào vụ lúa Hè Thu năm 2021 (Lượt xem: 4713)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Nông nghiệp - Nông thôn

Cập nhật: 02/06/2021

Trước những diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu, bên cạnh “ứng phó” bằng Giải pháp Công trình từ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, nông dân Sóc Trăng đã biết “thích ứng” hiệu quả hơn trong sản xuất bằng những Giải pháp Phi công trình, trong đó có việc bố trí lại cơ cấu mùa, vụ hợp lý. Đầu tháng 5/2021, tiến độ xuống giống vụ lúa Hè Thu diễn ra khá chậm, nhưng đến cuối tháng 5/2021, diện tích lúa xuống giống trong toàn tỉnh đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2020. Với sự thuận lợi từ nhiều mặt, nông dân Sóc Trăng đặt nhiều kỳ vọng trong vụ lúa Hè Thu này.

Nông dân Sóc Trăng đặt nhiều kỳ vọng vào vụ lúa Hè Thu năm 2021
Ngành chức năng hướng dẫn bà con nông dân một số điểm lưu ý trong sản xuất vụ lúa Hè Thu năm 2021.

   Trong vụ Hè Thu của năm 2020, Mỹ Xuyên là một trong những địa phương có diện tích lúa đổ ngả khá cao, khi trà lúa Hè Thu trổ chín vào đúng giai đoạn mưa, bão liên tục. Rút kinh nghiệm từ sự thất thoát về năng suất và giá bán năm 2020, trong vụ Hè Thu 2021 này, bà con nông dân đã chủ động hơn trong việc chuyển đổi từ cơ cấu mùa, vụ cho đến giống lúa.

   Nếu như vào thời điểm này của năm 2020, toàn huyện Mỹ Xuyên chỉ đạt diện tích xuống giống khoảng 100 ha thì hiện nay con số này đã tăng lên 3.000 ha, hiện trà lúa đang trong giai đoạn từ mạ đến đẻ nhánh. Bên cạnh xuống giống sớm từ 20 đến 25 ngày, nông dân còn lựa chọn canh tác những giống lúa cứng cây như: Đài Thơm 8, OM18 hay OM5451…để hạn chế tối đa rủi ro thiệt hại trong giai đoạn mưa, bão. Vụ Hè Thu năm 2020, ruộng của anh Nguyễn Văn Tuấn, ở ấp Châu Thành, thị trấn Mỹ Xuyên bị thiệt hại hơn một nửa diện tích. Thu hoạch gặp lúc mưa, bão làm lúa ngập sâu, thất thoát năng suất nên lợi nhuận anh Tuấn thu về không được bao nhiêu. Rút kinh nghiệm của vụ Hè Thu năm rồi, năm nay anh Tuấn “tiến hành sạ sớm, chọn giống Đài thơm 8 canh tác vì giống lúa này ít đổ, ngả mà giá bán cũng cao” - anh Tuấn chia sẻ. 

Anh Nguyễn Văn Tuấn, ấp Châu Thành, thị trấn Mỹ Xuyên trên ruộng lúa vụ Hè Thu đã được gieo sạ của gia đình.

   Riêng huyện Trần Đề thuộc vùng cuối nguồn của hệ thống kênh thủy lợi khép kín Long Phú - Tiếp Nhựt, thay vì phụ thuộc vào nguồn nước trời như những năm trước thì năm nay, khi lượng nước trong kênh, rạch ở ngưỡng cho phép, nông dân đã khẩn trương bơm nước vào ruộng, tiến hành các khâu chuẩn bị gieo sạ sớm vụ lúa Hè Thu. Đến nay, diện tích xuống giống đã đạt gần 11.000 ha, trong khi thời điểm này của năm 2020 vẫn chưa gieo sạ hết. Đây là một bước chuyển biến lớn về ý thức sản xuất của nông dân Trần Đề trong canh tác lúa. Chủ động xuống giống sớm để hạn chế lúa bị đổ, ngả khi thu hoạch trong điều kiện mưa bão, làm cơ sở để xuống giống sớm vụ lúa Đông Xuân tới nhằm “né hạn, tránh mặn” vào cuối vụ. Theo tính toán của nông dân Kim Bươl, ấp Đại Nôn, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, “mọi năm chờ mưa xuống mới bắt đầu gieo sạ lúa nên hay gặp thiệt hại do mưa, bão trong vụ Hè Thu và hạn, mặn trong vụ Đông Xuân. Còn năm nay hầu hết nông dân ở đây đều sạ sớm, làm đất đến đâu là xuống giống đến đó để lúa không bị ảnh hưởng năng suất”.

Nông dân huyện Trần Đề khẩn trương làm đất, chuẩn bị gieo sạ vụ Hè Thu sớm.

   Tính đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng đã xuống giống được 103.162 ha lúa Hè Thu năm 2021, đạt 73,2% Kế hoạch và tăng 44,5% so với cùng kỳ. Cùng với sự thống nhất giữa ngành Nông nghiệp và nông dân trong việc bố trí khung lịch thời vụ phù hợp ở từng địa phương khác nhau, nếu áp dụng tốt các giải pháp theo đúng khuyến cáo của ngành chuyên môn thì nông dân Sóc Trăng có nhiều kỳ vọng sẽ đạt thắng lợi trong vụ lúa Hè Thu năm nay. Theo đó, bà con nông dân cũng cần tuân thủ khuyến cáo của ngành chuyên môn: “Tháng 7, tháng 8 hàng năm là thời điểm lúa bắt đầu trổ bông hoặc thu hoạch. Đây lại là thời điểm mưa nhiều, nên bà con cần tuân thủ thực hiện các biện pháp “3 giảm 3 tăng” hay “1 phải 5 giảm”. Đặc biệt cần phải siết khô nước vào lúc gần cuối vụ để tạo điều kiện cho bộ rễ lúa ăn sâu vào đất. Bên cạnh đó, bà con cũng không nên bón phân đón đòng, nuôi hạt ở vụ Hè Thu này, vì cây lúa cần có thân cứng cáp để chống đỡ với mưa, bão tốt hơn” - ông Nguyễn Thành Phước, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng cho biết:

 

Ông Nguyễn Thành Phước, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng.

   Gạo Việt Nam đang có nhiều cơ hội thâm nhập sâu rộng vào các thị trường thế giới, bà con Nông dân sẽ là người hưởng lợi trực tiếp, nhưng không phải về sản lượng mà còn phụ thuộc nhiều vào chất lượng gạo thông qua hàm lượng phân, thuốc bảo vệ thực vật tồn dư. Áp dụng kỹ thuật canh tác bài bản, ưu tiên chọn giống chất lượng cao, từng bước chuyển đổi sang sản xuất lúa theo hướng hữu cơ cũng là những giải pháp canh tác mang tính bền vững mà Ngành Nông nghiệp Sóc Trăng khuyến cáo bà con cần lưu ý thực hiện, để không chỉ đạt sản lượng như mong muốn mà chất lượng lúa, gạo của Sóc Trăng cũng sẽ từng bước được cải thiện hơn./.

Văn Đại - Ngọc Thơ


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online